Trang chủ  Giới thiệu Dự án  Dịch vụ  Đối tác  Tuyển dụng  Liên hệ
   
 
Phát triển hệ thống đô thị Việt Nam trong thời kỳ mới

Trong những năm qua, mạng lưới đô thị phân bổ hợp lý trên 6 vùng kinh tế - xã hội của đất nước. Đô thị phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng tăng từ 629 đô thị năm 1999 lên 755 đô thị năm 2011.

Thực trạng hệ thống đô thị Việt Nam

Đô thị phát triển cả về quy mô dân số, diện tích đất đai và đầu tư xây dựng công trình hạ tầng đô thị đạt các quy định theo phân loại đô thị và nhiều đô thị được Chính phủ có quyết định công nhận nâng loại. Một số đô thị loại IV và loại III được Chính phủ công nhận là TX và TP thuộc tỉnh, đã ngày càng hoàn thiện và nâng cao năng lực quản lý đô thị.

Theo phân cấp quản lý đô thị, cả nước có 5 TP trực thuộc Trung ương, 55 TP trực thuộc tỉnh, 40 TX thuộc tỉnh, còn lại là các thị trấn. Trên địa bàn cả nước đã và đang thành lập trên 220 KCN tập trung, 10 ĐTM và 28 KKT cửa khẩu, KKT đặc thù góp phần mở rộng mạng lưới đô thị quốc gia, tạo ra tiền đề cho sự tăng trưởng đô thị tại các vùng ven biển và biên giới.

Hạ tầng xã hội đô thị như: Các công trình công cộng như bệnh viện, trường học, công viên, công trình văn hoá đã được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị; Nhà ở có nhiều chuyển biến đáng khích lệ, sau 10 năm từ 1999 - 2009, tỷ lệ nhà kiên cố tăng từ 12,8% lên 46,77%; nhà ở đơn sơ giảm từ 22,6% xuống 7,4%; diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng từ 9,7m2 sàn/người lên 18,6m2 sàn/người (khu vực đô thị là 23,1m2, khu vực nông thôn là 16,6m2). Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình nghèo tại khu vực nông thôn và người dân vùng ngập lũ tại Vùng ĐBSCL đã có nhà ở. Để tăng cường và đa dạng hoá nhà ở các KĐTM đã và đang được triển khai xây dựng và phát triển trên hầu hết các tỉnh, thành.

Hiện cả nước có trên 630 KĐTM (có quy mô từ 20ha trở lên, trong đó: Có 538 dự án có quy mô nhỏ hơn 200ha, có 80 dự án quy mô từ 0,2 - 1 nghìn ha và có 14 dự án có quy mô lớn hơn 1 nghìn ha) với tổng quy mô diện tích trên 100 nghìn ha đã giải quyết từng bước nhu cầu nhà ở của người dân đô thị. Tại khu vực đô thị hiện hữu, các khu chung cư cũ việc cải tạo, chỉnh trang đã được quan tâm lập quy hoạch và từng bước đưa vào thi công xây dựng.

Giao thông liên vùng, liên đô thị và nội đô đã được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị. Chất lượng phục vụ của giao thông công cộng tại các đô thị ngày càng tốt hơn. Hệ thống tàu điện ngầm và tuyến đường sắt trên cao đã bắt đầu triển khai thực hiện tại cácTP lớn như Hà Nội, TP.HCM. Tuy nhiên, tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị đạt khoảng 13% đất xây dựng đô thị (còn thấp so với yêu cầu từ 20 - 25%), tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh dưới 1% đất xây dựng đô thị (yêu cầu từ 3 - 3,5%). Hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải, chiếu sáng đô thị đã và đang được đầu tư cải tạo nâng cấp, có sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng. Định mức sử dụng nước trung bình đạt 90 lít/người/ngày đêm, tỷ lệ thất thoát giảm còn 30%. Tỷ lệ xử lý đạt khoảng 60% yêu cầu thoát nước đô thị. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đạt khoảng 83%. Tỷ lệ thu hồi các chất có khả năng tái sử dụng khoảng 20 - 30%.

Kiến trúc cảnh quan đô thị: Đã được cải thiện rõ rệt, quy chế quản lý kiến trúc đô thị đang từng bước được nghiên cứu lập để quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch đô thị được duyệt. Tuy nhiên, một số đô thị, công trình xây dựng còn thiếu bản sắc, các đô thị đặc thù ven sông, hồ, biển và miền núi chưa thể hiện rõ ý tưởng khai thác không gian. Phát triển đô thị chưa phản ánh rõ nét bản sắc văn hoá, đặc trưng của từng vùng, miền, các đặc thù sinh thái nhân văn trong quy hoạch và kiến trúc đô thị.

Giải pháp phát triển bền vững

Tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị đã vượt khả năng điều hành của chính quyền địa phương. Năng lực quản lý phát triển đô thị chưa theo kịp nhu cầu đòi hỏi của thực tế. Sự phát triển không đồng bộ giữa mở rộng không gian đô thị và chất lượng đô thị. Quy hoạch, đánh giá phân loại, nâng cấp đô thị chưa coi trọng tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng đô thị. Nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật đô thị lớn, nhưng việc xã hội hoá, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế.

Hiện tượng ùn tắc, tai nạn giao thông vẫn là mối lo ngại tại các đô thị lớn, tỷ lệ đất giao thông, tỷ lệ dân đô thị được cấp nước, tỷ lệ thoát nước đô thị còn thấp, tình trạng ngập úng cục bộ trong mùa mưa, ô nhiễm môi trường chậm khắc phục… Chiếu sáng tại nhiều đô thị chưa được quan tâm đúng mức, tỷ lệ bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh còn thấp, khí thải và tiếng ồn đô thị chưa được xử lý.

Đặc biệt, đô thị Việt Nam còn đang đứng trước các vấn đề lớn phức tạp của quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị như định cư, chênh lệch giàu nghèo, nhà ở, lao động, việc làm, phát triển vùng ven đô, liên kết đô thị nông thôn, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên… và các vấn đề mới nảy sinh mang tính toàn cầu như hội nhập, cạnh tranh đô thị, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao…

Để khắc phục được những bất cập trong quá trình phát triển đô thị cần tăng cường thể chế kiểm soát phát triển, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, chính sách về quy hoạch, kế hoạch, đất đai, tạo điều kiện huy động khai thác nguồn lực cho đầu tư cải tạo, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị là hết sức cần thiết. Luật Quy hoạch đô thị đã được ban hành và từng bước đi vào cuộc sống, tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đô thị trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng cần xây dựng Luật Đô thị, các nghị định điều tiết công tác quản lý và nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển đô thị đảm bảo phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong đô thị.

Kiểm soát phát triển đô thị theo Định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định 445/QĐ-TTg/2009), thực hiện chương trình nâng cấp đô thị quốc gia (theo Quyết định 758/QĐ-TTg/2009) thông qua các chương trình kế hoạch phát triển đô thị cấp quốc gia, cấp tỉnh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các chương trình, kế hoạch cần được xây dựng phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia giai đoạn 2011 - 2020. Phát triển đô thị đảm bảo nguyên tắc tạo động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước theo hướng CNH, HĐH.

Phát triển đô thị bền vững là việc cần thiết. Quy hoạch phải kết hợp hài hoà giữa bảo tồn, cải tạo và xây dựng mới, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới để xây dựng đô thị hiện đại, ứng phó và thích nghi kịp thời với các tác động của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phát triển đô thị toàn quốc làm cơ sở hỗ trợ công tác quản lý xây dựng cơ chế chính sách kịp thời với yêu cầu thực tế. Tăng cường công tác hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, học tập kinh nghiệm, mở rộng điều kiện và cơ hội thu hút đầu tư hợp lý cho phát triển đô thị theo hướng phát triển đô thị Việt Nam thân thiện môi trường và phát triển bền vững. Cần huy động nhiều nguồn lực của xã hội trong và ngoài nước. Việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực của chính quyền, người dân trong việc tham gia quản lý đầu tư và thực hiện quy hoạch cần được tiếp tục tuyên truyền phổ biến và nhân rộng bằng nhiều hình thức khác nhau.

Việt Nam là quốc gia có vị trí quan trọng ở Đông Nam Á và Châu Á. Hơn 35 năm sau chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhân dân Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam trong thời kỳ hội nhập là một nhiệm vụ trọng tâm, các chính quyền các địa phương và từng người dân đô thị cần phát huy hơn nữa trách nhiệm và có ý nghĩa xây dựng đô thị mới tươi đẹp, hiện đại có bản sắc phục vụ nhu cầu sống ngày một cao của người dân.

Hiện có 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM; 10 đô thị loại I; 12 đô thị loại II; 47 đô thị loại III; 50 đô thị loại IV và 634 đô thị loại V; hệ thống đô thị trung tâm các cấp được phân bổ hợp lý trong từng vùng và hệ thống đô thị cả nước.

 


Các tin khác:
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC
ĐIỀU HÒA NHIỆT ĐỘ

GIẢI PHÁP MẠNG

 

BMS & PMS

THANG MÁY

GIẢI PHÁP KHÁC

    Liên kết website

CÔNG TY TNHH VÕ PHAN LÊ
Trụ sở: 86 Bàu Cát 5, Phường 14, Quận Tân Bình, Tp. HCM
Điện thoại: 08- 62963819 - 2804  /  Fax: 08-38493817
Chi nhánh: Số 1, Ấp An Hòa, Xã An Hiệp, H. Châu Thành, Tỉnh Bến Tre
Điện thoại: 075-3866778  /  Fax: 075-3866779
Email: binhlt@vpl.com.vn
Website: www.vpl.com.vn

Số người truy cập: 136060
Đang online: 2
Designed by Viet Net Nam
Copyright © 2011 vpl.com.vn. All rights Reserved.